Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Mẩu chuyện 1 : Cư xá Brinh

Biệt động Sài Gòn:
“Nổ Cư Xá Brink” ( 24-12-1964)

[Kết quả chuyến đi thực tế về trận đánh Cư xá Brink của đội Biệt động Sài Gòn]
Thực hiện: Nhóm sinh viên Chi Đoàn XHH10B – Khoa Xã hội học – ĐH KHXH&NV Tp. HCM

Năm 1964- cột mốc quan trọng đối với Cách Mạng Việt Nam, là bước đệm quan trọng tác động trực tiếp đến việc đập tan chiến dịch “ Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ- Ngụy. Trong đó, không thể không nhắc đến những chiến công của những chiến sĩ Biệt Động Sài Gòn mà tiêu biểu là vụ NỔ CƯ XÁ BRINK.
Cư xá này được đặt theo tên của viên thiếu tướng tư lệnh lực lượng Mỹ đầu tiên tại Việt Nam (Franci G. Brink), nằm ở đường Hai Bà Trưng, ngay góc Lê Lợi, cạnh khách sạn Continental. Đây là cư xá hạng nhất, cao 7 tầng, với gần 200 phòng dành cho sĩ quan Mỹ tại Sài Gòn.
Để tìm hiểu rõ hơn về trận đánh này, mời các bạn cùng theo chân nhóm chúng tôi để tận mắt thấy được nơi ghi dấu chiến công của đội biệt động Sài Gòn tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố.
9h sáng, nhóm chúng tôi đã có mặt ở cư xá Brink, nay đã được đổi tên thành khách sạn Park Hyatt Sài Gòn. Các thành viên trong nhóm chúng tôi đều bất ngờ khi được tận mắt chiêm ngưỡng một khách sạn to lớn và sang trọng với khuôn viên hết sức rộng lớn và được bao phủ bởi các mảng xanh mát rượi. Ở trước khách sạn là tấm bia ghi chiến công cao 2,2m, làm bằng đá granit được đặt trên bệ ốp đá hoa cương cao 1m trong khuôn viên cây xanh, thảm cỏ có diện tích 50m2
 Khi đứng trước tấm bia này, trong lòng bạn nào cũng dâng lên một cảm xúc khó tả, vừa vui sướng, vừa tự hào trước sự dũng cảm của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, đặc biệt là chiến sĩ Bảy Bê và Tư mập, với sự chỉ đạo tài tình của anh Tư Chu. Tấm bia được người đời sau dựng nên như một minh chứng sống động cho trận Nổ cư xá Brink. Những ngày tháng chiến đấu anh dũng như tái hiện ra trước mắt. Những dòng suy nghĩ miên man như đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử tìm về quá khứ hào hùng ngày ấy.


“Quả là Brink khá bí ẩn vì đây là nơi dành riêng cho các sĩ quan Mỹ độc thân, khó ai có thể vào được, nhất là người Việt. Trong giai đoạn “chiến tranh đặc biệt", vai trò cố vấn Mỹ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngụy quyền Nam Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực quân sự. Bọn cố vấn Mỹ chỉ huy quân ngụy đánh phá lực lượng cách mạng ngay từ khi chúng đặt chân tới miền Nam. Vì thế, bọn Mỹ trú đóng trong cư xá Brink là đối tượng tác chiến của biệt động thành.
Sau khi bàn bạc kĩ lưỡng, F21 thống nhất phương án chiến đấu: dùng biệt động hóa trang công khai xâm nhập mục tiêu, bí mật đặt mìn nổ chậm rồi rút lui trước khi mục tiêu bị phá hủy. Để đảm bảo cho mìn nổ, ngoài kíp hẹn giờ, bộ phận kĩ thuật còn thiết kế thêm kíp nổ acid và kíp giật nụ xòe, nổ trực tiếp, chuẩn bị phương án 2, nếu kíp đồng hồ và acid trục trặc. Thời gian nổ mìn được quy định vào lúc 17h 55’, ngày 24 tháng 12 năm 1964, vì từ 18h trở đi là giờ “ ngưng bắn” giữa 2 bên thỏa thuận cho đồng bào vui Tết Noel.

Theo phương án chiến đấu, F21 sử dụng lực lượng gồm 3 tổ:

1. Tổ xung kích trực tiếp tấn công Brink do Bảy Bê và Tư Mập phụ trách, trong đó Bảy Bê chỉ huy trận đánh. Theo kịch bản, Bảy Bê thủ vai tài xế lái xe đưa một đại tá ngụy tới Brink làm việc với một đại tá Mỹ (ta đã điều tra nắm được một tên đại tá trong cư xá có tên là William Joshon). Chiếc NASH do Bảy Bê lái, trong cốp xe thiết bị một khối chất nổ 200kg  thuốc TNT.

2. Phục vụ cho tổ xung kích là tổ bảo vệ và tổ bảo đảm cơ sở vật chất. Trong đó Lê Văn Việt (Tư Việt) trinh sát đường hành quân của chiếc NASH và nổ súng tiêu diệt địch, hỗ trợ cho Bảy Bê và Tư Mập rút lui nếu tình huống đánh trực tiếp bằng kíp nổ giật nụ xòe thất bại. Chiến sĩ giao liên Trần Thị Minh Nguyệt vừa trinh sát đường và có nhiệm vụ đón Bảy Bê rút lui sau khi đưa được xe thuốc nổ vào Brink. Nguyễn Nông (Năm Bắc) trinh sát tại mục tiêu cư xá và ra ám hiệu hành động
3. Ông Huỳnh Văn Sao thiết kế khối nổ, sau đó cùng bà Vũ Thị Lượng và ông Lê Văn Mia (Sáu Mia), Nguyễn Hoàng Anh bí mật vận chuyển vũ khí từ chiến khu vào Sài Gòn.
Đồng hồ chỉ 17 giờ 40. Bọn sĩ quan đang lục tục kéo nhau vào cư xá, kể cả bọn bên khách sạn Rex đường Lê Lợi. 

Chiếc NAHS từ từ chạy qua cổng gác rồi dừng lại trong sân. Khi qua cổng gác, hai anh thấy tên lính gác rập chân, đưa tay chào “thiếu tá" Tư Mập. Tư Mập xuống xe liền hỏi viên cảnh sát:

- Đại tá William Johson hẹn gặp tôi chiều nay tại đây. Chẳng hay đại tá đã tới chưa?

Viên cảnh sát lễ phép trà lời:

- Dạ chưa.

“Thiếu tá" ra vẻ bực đọc, suy nghĩ, một lát, rồi vẫy tay gọi "tài xế” Bảy Bê: 

- Ê! mày để xe lại đây chờ đại tá, rồi đưa về nhà nghe. Tao về nhà trước có chút việc.

Bảy Bê "dạ" một tiếng ngọt. Tư Mập quay lưng rời khỏi cư xá với vẻ thản nhiên. Tên lính gác lại đưa tay lên chào, tiễn một sát thủ biệt động ra khỏi hang ổ sĩ quan Mỹ.

Lúc này còn lại một mình Bảy Bê giữa hằng hà bọn sĩ quan, nhưng anh không hề sợ hãi. Anh lấy hết bình tĩnh vừa quan sát vừa nghĩ cách đưa khối thuốc nổ vào vị trí thuận lợi nhất. Anh quyết định lái xe vào tầng trệt hướng về phía nhà ăn, nhưng một tên cảnh sát đến ngăn lại, yêu cầu phải đậu xe ngoài sân. Bảy Bê cảm thấy khó xử, nếu nghe chúng thì mìn nổ ngoài sân trống, chẳng ăn thua gì. Đã đưa chất nổ được vào đây mà không diệt được bọn Mỹ kể như toi công.

Anh liếc ra ngoài đường thấy Tư Việt đang vờ sửa xe ở cổng, sẵn sàng hỗ trợ cho anh đánh trực tiếp trước hết là diệt tên cảnh sát gác cổng và bọn gần đó cho Bảy Bê thoát ra. Chợt thấy một khoảng trống dưới gầm tòa nhà vừa đủ cho chiếc xe, anh liền cho chiếc NAHS de vào. Tên lính vừa hạch sách anh cũng vừa bỏ đi chỗ khác. Khi xe vừa tắt máy, Bảy Bê liếc quanh, rồi giả vờ cầm chổi lông quét xe vừa kiểm tra thiết bị nổ lần cuối xong, rồi khóa chặt cửa xe. Anh bước lẹ ra khỏi tầng trệt và cảm thấy yên tâm vì khối nổ khổng lồ đã nằm gọn dưới tòa nhà, một vị trí quá lý tưởng của biệt động.
Bác tài "Bảy Bê" tỏ vẻ bực bội vừa đi về phía cổng, miệng vừa lầu bầu văng ra những lời lẽ trách móc: - Đi đâu mà lâu dữ vậy, từ sáng đến giờ hết đưa đón quan này đến tướng nọ, đói rã ruột, khát khô cổ mà chưa có miếng gì vô bụng.

Tên cảnh sát đứng có vẻ "đồng cảm" cũng phụ họa theo: 

- Mấy cha này giống nhau cả, bỏ đói tài xế là chuyện thường. 

Thấy thời cơ tốt đã đến, Bảy Bê cất tiếng năn nỉ:

- Anh cảm phiền cho tôi ra ngoài kiếm chút gì ăn cho đỡ đói

Nói rồi Bảy Bê bước qua cổng gác, thoát ra khỏi Brink…
Sự hồi hộp lên đến cực dộ khi kim đồng hồ nhích sang con số 17 giờ 53 phút, rồi 54... Sao vẫn im re?. Bảy Bê nhấp nhổm chuẩn bị trở lại thực hiện phương án 2 vì cho rằng kíp đồng hồ và axít có vấn đề. Anh sẽ lao vào xe, giật nụ xòe điểm hỏa trực tiếp rồi đánh từ trong ra. Tư Việt ngoài đánh vào... và cả hai cùng thoát khỏi mục tiêu. Đang toan tính thế thì một tiếng nổ long trời làm rung chuyển thành phố. Khói lửa lập tức cuộn lên trùm phủ tòa nhà, gây nên một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp. Lúc đó là 17 giờ 55 phút, cách giờ “hưu chiến" đúng 5 phút.

Sáng hôm sau, trên trang đầu các báo xuất bản ở Sài Gòn rộ lên những cái “tít" giật gân: "Việt cộng chơi Mỹ”, "cư xá Brink tan hoang”... và liên tiếp những ngày sau đó, báo chí tiếp tục đưa tin tường thuật diễn biến, các chi tiết và hình ảnh diễn ra ở Brink; kể cả báo chí Mỹ và đài phương Tây cũng đưa tin và bình luận về sự kiện nổi cộm này. Dư luận đồng bào Sài Gòn ở trong các quán ăn, quán cà phê giải khát không kém phần sôi nổi, người ta có vẻ khoái trí khi thấy bọn Mẽo bị trừng trị đích đáng.

Vụ đánh bom đã làm 2 sĩ quan Hoa Kỳ thiệt mạng. Trung tá James Robert Hagen chết tại chỗ; đây là sĩ quan cao cấp nhất bị giết tại Việt Nam Cộng hòa cho tới thời điểm đó. Trung sĩ Benjamin Beltra Castaneda bị thương nặng và chết sau đó. Số người bị thương không được công bố thông nhất; giao động từ khoảng 58 đến trên 100 người gồm cả Hoa Kỳ, Việt Nam, và Australia. 4 tầng dưới của cư xá Brinks bị vụ nổ làm hư hại nghiêm trọng. Cư xá Brinks sau đó được sửa lại và các sĩ quan Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ở đó cho đến khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Westmoreland- tướng 4 sao của Hoa Kỳ, từng giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (Military Assistance Command Vietnam) và tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ ; phải kinh hoàng thú nhận: "Đây là một vụ nổ kinh khủng". Westmoreland vội đưa vợ con về Honolulu và lệnh cho các sĩ quan khác phải đưa gia đình về Mỹ.




 
Tâm lý hoang mang ấy lan truyền sang hấu khắp binh lính và sĩ quan Mỹ, đến nỗi quân cảnh Mỹ đã hốt hoảng nổ súng vào xe hơi của tướng Đặng Văn Quang đang chở vợ con, khi chiếc xe này chạy vào ngõ hẹp trước một khách sạn làm cho người Mỹ. Do ám ảnh "Việt cộng” chở xe hơi chứa chất nổ vào công sở. 

Lập nên chiến công vang dội trong tấn công cư xá Brink, Đội Quân báo biệt động F21 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất; Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Ông Đỗ Hán và Huỳnh Văn Sao được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Chị Nguyễn Thị Lành được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Số chiến sĩ phục vụ trận đánh được khen thưởng xứng đáng.


Sau vụ nổ kinh hoàng ấy, cái tên cư xá Brink không còn nữa, tòa nhà ấy bị hư hại nặng nề nhưng về tổng thể kiến trúc thì vẫn không thay đổi gì nhiều. Cư xá Brink ngày nay được chuyển lại cho tư nhân, trở thành một đại khách sạn sang trọng và nằm ở một vị trí rất đẹp ngay giữa trung tâm thành ph.
Buổi tiệc nào rồi cũng tàn, chuyến đi tham quan dù vui mấy cũng đến lúc kết thúc. Các bạn trong nhóm chúng tôi ai nấy cũng muốn kéo dài thêm chút ít nữa. Riêng tôi, sau chuyến đi này, bản thân tôi đã học hỏi được nhiều hơn, tôi thấy khâm phục các chiến sĩ biệt động thành ở lòng dũng cảm và sự thông minh, bất chấp mọi gian khổ, nguy hiểm của các anh. Không có những con người như thế, liệu đất nước sẽ ra sao. Để kỉ niệm chuyến đi này, nhóm chúng tôi đã chụp lại một bức ảnh làm kỉ niệm.
Mỗi phút giây đều làm nên lịch sử, mỗi trải nghiệm sẽ cho ta một bài học quý giá, đi để trưởng thành, để thêm tự hào về đất nước nơi mình đã sinh ra. Sống trong một đất nước hòa bình đã là một điều may mắn, thế hệ thanh niên, những người trẻ như tôi và các bạn hãy dành một lúc nào đó nhìn lại quá khứ hào hùng của cha anh, xem thế hệ đã làm gì và họ đã đánh đổi những gì để mang lại hòa bình trên đất nước này. Chúng ta đã đến tuổi trưởng thành và đang ở giai đoạn tươi đẹp nhất của cuộc đời, hãy đem sức trẻ của mình cống hiến cho xã hội, đưa nước ta phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu khác

-         Quỳnh Trang -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét