Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Mẩu Chuyện 4: Nhà Hàng Mỹ Cảnh

ĐÁNH BOM NHÀ HÀNG MỸ CẢNH

Trong đoàn đại biểu Biệt động thành ra thăm Hà Nội tháng 1-2010 có Huỳnh Phi Long (bí danh Huỳnh Anh Dũng)-chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn - Gia Định . Mới trông ông chỉ khoảng 60 tuổi, con người huyền thoại này khiến mọi người thấy ông sẽ phải thốt lên kinh ngạc và thán phục về tài mưu trí, dũng cảm đã thực hiện thắng lợi trận đánh vang dội nhà hàng Mỹ Cảnh Sài Gòn ngày 23-6-1965 .
Ông kể: Trước trận đánh vào nhà hàng Mỹ Cảnh, Huỳnh Phi Long và đồng đội xác định là trận đánh để trả thù cho đồng chí Trần Văn Đang-một chiến sĩ biệt động vừa bị Mỹ ngụy tử hình tại bùng binh chợ Bến Thành vào ngày 20-6-1965.
         Nhà hàng Mỹ Cảnh là một chiếc tàu nổi dài 75m, rộng 25m, chứa được tới 250 thực khách, thường được neo đậu theo bờ sông tại bến Bạch Đằng, cách kênh Bến Nghé khoảng 100m, bên cạnh cột cờ Thủ Ngữ đối diện bên kia đường bến Bạch Đằng (nay là đường Tôn Đức Thắng, quận 1). Chủ nhà hàng là một người  tên là Phú Lâm, một tay sai đắc lực của tình báo CIA .
Cấp trên nhận định phá hủy được nhà hàng này coi như ta đã triệt được một cái vòi của Mỹ-ngụy và sẽ khoét sâu được mâu thuẫn giữa Mỹ và ngụy sau những trận đánh tại bến xe buýt (đường Hồng Bàng, dành riêng cho các cố vấn Mỹ), trận đánh vào sân tập Bình Thới (quận 11, dành riêng cho bọn cảnh sát địch).
     Phi Long đã phải điều nghiên kỹ địa hình và thói quen đi lại, chơi bời, ăn uống của địch . Địa hình ở đây rất khó tiếp cận vì nhà hàng Mỹ Cảnh ở dưới sông chỉ có một lối đi duy nhất là chiếc cầu thang, địch lại thường xuyên bố trí hai cảnh sát mang súng tiểu liên canh gác bên cầu thang. Ngay tại bãi trống trên bờ trước nhà hàng còn có 3 tên cảnh sát và một tên công an chìm luôn luôn cảnh giới. Dưới sông, an ninh hải quân của địch tuần tra liên tục.
       Phi Long và đồng chí Lê Văn Rãy (cùng trong tổ biệt động) hạ quyết tâm theo phương án đã chuẩn bị. Trước lúc lâm trận, như có linh tính mách bảo hay chính là sự cẩn tắc vô áy náy của những người lính chiến nên Phi Long đã kiểm tra lại vũ khí. Trời ơi, thật may mắn, anh phát hiện ra đồng hồ gài mìn bị chập, chút xíu nữa là nổ tung và hai người sẽ chết khi chưa thực hiện được nhiệm vụ. Khi kể lại, ông vẫn còn xuýt xoa: Thật hú vía cái đận ấy!
      Diễn biến trận đánh như sau: Phi Long đi xe máy mô-bylet chở một trái mìn đi trước, đồng chí Rãy đạp xe giả làm người bán báo chở một trái DH10 đi sau đủ tầm nhìn thấy nhau. Gần đến cầu Hang, Phi Long đi chậm lại quan sát, chờ thời cơ vượt trạm gác. Khi người dân tập trung đi về phía giữa cầu, lợi dụng đông người che khuất, Phi Long cho xe vượt qua, đồng chí Rãy cũng đạp xe theo qua khỏi trạm gác cùng lao nhanh về hướng mục tiêu. Dừng lại một phút để quan sát, thấy 3 tên cảnh sát vẫn đứng trước cầu thang lên xuống nhà hàng, còn phía trên bờ sông 4 tên cảnh sát đứng dàn hàng ngang súng tiểu liên cầm tay, hai tên công an chìm đi lại ngay bãi trống đối diện nhà hàng. Tại các ngã tư địch tăng cường xe bọc thép và bọn lính dã chiến hình thành thế bảo vệ quanh mục tiêu. Đây là một sự bất thường xảy ra trong khu vực, một tình huống ngoài dự kiến. Nhưng Phi Long quyết tâm là phải đánh và đây cũng là thời cơ đánh khi địch tập trung cao nhất. Anh động viên đồng chí Rãy: Dù hy sinh hai anh em mình cũng phải hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng và Quân đội trong trận đánh này. Quan sát thêm, Phi Long thấy có vài người bán hàng rong qua lại trước mục tiêu và kế đó lại có hàng bán thuốc lá. Nhìn đồng hồ đeo tay chỉ còn vài phút nữa thôi, Long liền chạy xe cập mục tiêu.
   Long tự nhủ thật  bình tĩnh để địch không nghi ngờ phát hiện, anh dừng xe máy  nhắm đúng hướng mìn thổi vào 2/3 thân tàu. Mồ hôi rịn đầy trên trán, song anh vẫn cố tỏ ra ung dung thản nhiên móc tiền bước đến quầy mua thuốc lá , những tên công an vẫn qua lại không biết gì. Chỉ còn 2 phút nữa thôi, trái mìn DH10 sẽ nổ. Anh nhanh chóng đi đến bên cạnh công viên, áp sát người vào một trụ cột, lợi dụng bóng tối bỏ 2 trái thủ pháo xuống sông rồi lẹ làng lách người qua công viên cách đó 5m nhảy lên chiếc xe gắn máy mà đồng chí Tám Sâm đã để sẵn.
     Đồng chí Rãy cũng đã gài xong quả mìn định hướng thứ hai. Hai người lên xe, vừa chạy ra khoảng 50m thì trái mìn thứ nhất mà Phi Long gài đã nổ. Lao xe đến bùng binh Nguyễn Huệ thì Long bị cảnh sát chặn lại khám xét, kiểm tra thấy giấy tờ hợp pháp bọn chúng để cho hai người đi. Vừa lúc đó, trái mìn thứ hai của đồng chí Rãy gài nổ tiếp. Cả Sài Gòn như bừng lên khí thế tiến công. Tiếng còi báo động của địch vang lên inh ỏi, đường phố trở nên một cảnh tượng hỗn loạn, chỉ riêng những người lính đặc công biệt động mừng vui khôn tả.
Vài phút sau, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cũng có mặt và chứng kiến cảnh tan nát này đã lắc đầu thất vọng và ủ rũ cúi đầu leo lên xe như không dám tin vào những gì vừa xảy ra.
     Ngày 23-6-1965, Huỳnh Phi Long được cấp trên tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhất, các đồng chí Lê Văn Rãy, Tám Sâm, Kiều Nương và Nguyễn Thị Hoài đều được tặng huân chương Chiến công hạng 3. Riêng tập thể đội biệt động 67 được tặng thưởng huân chương Quân công hạng 3.
    Trước khi đi đánh trận nhà hàng Mỹ Cảnh, Huỳnh Phi Long được về thăm vợ con. Lúc đó, bé Nga còn nhỏ xíu cứ quấn lấy ba hỏi: Ba ơi, chừng nào ba về? Phi Long vờ trả lời con gái: Ờ, chiều mốt ba về. Nói là nói vậy để vợ con yên lòng, chứ thực tình Phi Long không biết có còn ngày gặp lại vợ con hay không. Nhưng cũng không dám nói ra sợ mọi người lo lắng. Vợ anh thì chỉ biết ứa lệ nhìn chồng, rồi chị cố gạt nước mắt động viên: Anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ, đừng có băn khoăn vì gia đình.
    Cũng là một giao liên, nên chị hiểu công việc của chồng nguy hiểm đến nhường nào. Vì thế, nhờ có chị vừa công tác tốt vừa chăm lo cho gia đình bé nhỏ của mình nên Phi Long đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong mỗi trận đánh.
     Có lần, cùng mẹ đến thăm ba khi Phi Long bị địch bắt giam ở khám Chí Hòa, bé Nga cứ cầm tay ba kéo qua hàng rào và hỏi: Ba bị đánh vào đâu? Có đau lắm không? Nó cho ba ăn gì? Thôi, ba về với con đi.
“Bé Nga” bây giờ đã 50 tuổi rồi nhưng vẫn điên loạn vì bị địch hành hạ. Còn người vợ hiền đảm hết mực thương yêu chồng con cũng bị địch bắt, đánh đập, tra khảo vì có chồng tham gia hoạt động cách mạng. Rồi chị bị chúng chích thuốc cho đến điếc tai, nhưng vẫn một lòng không khai báo nửa lời. Nhưng những đòn tra tấn dã man ấy đã làm cho tinh thần của chị hoảng loạn, không còn suy nghĩ như người bình thường được nữa, chị làm việc như người vô thức, không biết đúng hay sai, không hiểu mình đang làm cái gì.  May thay, ông còn có hai cô con gái và một cậu con trai để an ủi, nhưng cuộc sống cũng còn khó khăn.
     Trong những ngày bị giam cầm ở khám Chí Hòa, rồi bị đày ra Côn Đảo, địch nhốt vào chuồng cọp, nhưng Huỳnh Phi Long vẫn luôn giữ vững khí tiết kiên trung của một người cách mạng, một người chiến sĩ đặc công biệt động dũng cảm, mưu trí. Trong nhà tù Côn Đảo, Phi Long cùng với anh em đồng chí luôn chống đối việc chào cờ địch, đấu tranh, tuyệt thực đòi thả tự do cho những người không án và anh em bị bệnh tật. Ngay chốn lao tù, Phi Long vẫn được anh em đồng chí tin tưởng bầu làm tổ trưởng tổ đảng. Đến khi hiệp định Pa-ri ký kết, Phi Long mới được địch trao trả tù binh vào ngày 21-3-1973.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét